5 Bước Cải Thiện Chỉ Sô EQ Dành Cho Lãnh Đạo
Trí tuệ cảm xúc (EQ – Emotional Quotient/Emotional Intelligence) là khả năng nhận thức, quản lý và điều chỉnh cảm xúc theo hướng tích cực. Quá trình này không chỉ bao gồm việc kiểm soát cảm xúc của bản thân mà còn liên quan đến năng lực nhận biết cảm xúc của người khác để đồng cảm, giao tiếp tốt hơn và duy trì mối quan hệ lành mạnh với họ.
Trí tuệ cảm xúc là một kỹ năng mềm cần phải có của các nhà lãnh đạo. Đa phần mọi người đều bị thu hút bởi những thủ lĩnh có chỉ số EQ cao. Điều đó thể hiện rõ qua cách họ tương tác với đồng nghiệp. Những người có chỉ số EQ cao thường có kỹ năng giao tiếp, khả năng lãnh đạo và quản lý căng thẳng tốt hơn.
TS. Travis Bradberry – đồng sáng lập, Chủ tịch TalentSmart, đồng tác giả cuốn Emotional Intelligence 2.0 (Thông minh cảm xúc 2.0) cho biết, trong tất cả những trường hợp mà ông từng nghiên cứu, có đến 90% những người thành công trong sự nghiệp có chỉ số EQ cao. Nghĩa là, chúng ta vẫn có thể thành công mà không cần đến EQ, nhưng cơ hội là rất thấp.
Lợi ích của chỉ số EQ cao
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người có chỉ số EQ cao thường thành công hơn trong sự nghiệp, kinh doanh, khả năng lãnh đạo, các mối quan hệ,… Ngoài ra, chỉ số thông minh cảm xúc cao sẽ giúp bạn dễ dàng đối phó với những tình huống khó khăn trong cuộc sống cũng như vượt qua stress dễ dàng hơn. Vậy cách nâng cao EQ là gì?
Những cách nâng cao chỉ số EQ cho nhà Lãnh Đạo
Bước 1: Nâng cao nhận thức về bản thân/ Thấu hiểu bản thân
1. Nhận biết điểm mạnh của bản thân
Các nghiên cứu cho thấy khi bạn tự nhận thức được điểm mạnh của mình, bạn cũng có xu hướng nhận ra điểm mạnh của người khác, điều này sẽ mang lại những kết quả tích cực trong các mối quan hệ. Trong công việc, một nhà lãnh đạo biết được điểm mạnh của nhân viên sẽ giúp ích trong việc tạo động lực cho nhân viên và giúp họ phát huy tối đa điểm mạnh của mình ở vị trí phù hợp.
2. Biết giới hạn của điểm mạnh
Bất cứ điều gì quá mức cũng sẽ gây ra tác dụng phụ. Chính vì vậy, bạn nên biết giới hạn của mình là gì. Ví dụ như đi đôi với tính hoạt bát là nói quá nhiều hoặc đức tính kiên trì đôi khi có thể biến thành cố chấp. Vì vậy, bạn cần biết đâu là ngưỡng vừa đủ của các đức tính tốt mà bạn có được.
Một nhà lãnh đạo có điểm mạnh là quyết đoán tuy nhiên có đôi lúc những quyết định nhanh chóng cũng chưa hẳn là đúng đắn nếu lĩnh vực đó không phải là thế mạnh của mình. Cách tốt nhất là lãnh đạo nên được quân sư từ nhân viên cấp dưới phụ trách lĩnh vực đó để đưa ra quyết định chính xác cho doanh nghiệp của mình.
3. Biết giới hạn sức chịu đựng của bạn
Cách nhanh nhất để một người phá hỏng sự nghiệp hoặc mối quan hệ chính là thiếu kiểm soát cảm xúc của họ. Bởi vì, bạn có thể phải đối mặt với nhiều điều tệ hại không thể tưởng tượng được trong cuộc sống, nhưng phản ứng như thế nào lại là quyết định của chính bạn. Trong tình huống bạn vấp phải sự phản đối của ai đó về ý kiến của bạn trong một cuộc họp ở công ty, nếu lúc này bạn “bùng phát” cảm xúc của mình và giận dữ, to tiếng thì hình ảnh của bạn trong mắt mọi người sẽ xấu đi rất nhiều.
Vì vậy, lời khuyên là bạn cần biết những hành vi nào có khả năng gây khó chịu cho chính mình và thực hành cách kiểm soát cảm xúc trong những tình huống đó. Hãy nhớ lại những lần bạn mất kiểm soát, nói ra những lời nặng nề hoặc cãi nhau với người khác. Sau đó, khi phải tiếp xúc với những trường hợp gây khó chịu tương tự, hãy cố gắng kiềm nén cơn giận của mình và gián tiếp giải quyết mâu thuẫn, thông qua email hoặc một cuộc hẹn khi đã đủ bình tĩnh thay vì trực tiếp đối đầu.
Bước 2: Tập kiểm soát chính mình
1. Kiểm soát ngôn ngữ khi giao tiếp
Hãy nói ra những ngôn từ mang ý nghĩa tích cực, không chê bai và phán xét người khác. Trước khi nói điều gì với một ai đó bạn hãy dừng một giây để nghĩ xem người nghe sẽ cảm thấy thế nào khi đón nhận những lời nói của bạn.
Dưới đây là một số phương pháp giúp bạn có thể tăng EQ từ việc kiểm soát ngôn ngữ khi giao tiếp:
• Sử dụng ngôn từ tích cực: Hãy sử dụng ngôn ngữ tích cực và khích lệ để động viên, ủng hộ và tạo động lực cho người khác. Tránh sử dụng ngôn ngữ tiêu cực hoặc chỉ trích, vì nó có thể gây ra xung đột và gây tổn thương tới người khác.
• Mở rộng vốn từ bằng việc chăm đọc sách, thường xuyên giao tiếp với mọi người. Điều này vừa giúp bạn nâng cao EQ vừa làm phong phú vốn hiểu biết.
• Tìm hiểu ngôn ngữ cơ thể (body language) để hiểu rõ hơn về cách người khác thể hiện cảm xúc, từ đó giúp bạn tương tác dễ dàng hơn.
2. Kiểm soát các cảm xúc tiêu cực
Mặc dù những cảm xúc như tức giận, ghen tị, buồn bã là hoàn toàn bình thường, nhưng việc đắm chìm trong đó quá lâu có thể cản trở bạn mở lòng đón nhận những điều tốt đẹp của cuộc sống. Chính vì thế, một trong các cách nâng cao EQ hiệu quả đó là rèn luyện cân bằng, hạn chế cảm xúc tiêu cực và tác động của chúng trong mọi tình huống.
Trong trường hợp bạn cảm thấy những suy nghĩ tiêu cực đang bủa vây xung quanh mình thì hãy tìm một không gian yên tĩnh, hít thật sâu, uống một ly trà hoặc tập thể dục, chơi thể thao sẽ giúp bạn lấy lại năng lượng tích cực một cách nhanh chóng.
3. Làm chủ suy nghĩ và hành động
Chỉ số EQ liên quan trực tiếp tới việc bạn tư duy và xử lý vấn đề. Người có chỉ số EQ cao là những người có khả năng lắng nghe chủ động, suy nghĩ độc lập và giải quyết vấn đề theo hướng tích cực. Họ sẵn sàng học hỏi từ người khác, song vẫn giữ được chính kiến riêng và thể hiện được khả năng của mình.
Là một nhà lãnh đạo luôn luôn phải đưa ra những giải pháp giải quyết vấn đề của doanh nghiệp mình. Những lúc đó bạn cần phải thực sự tỉnh táo tức là giữ mình trong một trạng thái hoàn toàn bình thường để đưa ra quyết định. Những lúc bực tức bạn càng phải bình tĩnh và phân tích tình huống trong hệ quy chiếu giữa “được” và “mất” để đưa ra quyết định của mình.
Bước 3: Cải thiện kỹ năng xã hội
Một nhà lãnh đạo có ảnh hưởng tới nhân viên thể hiện thông qua những kỹ năng xã hội mà người đó sở hữu. Dưới đây là một số kỹ năng giúp bạn cải thiện chỉ số EQ
1. Lắng nghe chủ động
Khác với lắng nghe thụ động – cũng là một hình thức lắng nghe nhưng người nghe thường không thực sự để tâm vào câu chuyện của người nói, “lắng nghe chủ động” là hành động tập trung hoàn toàn vào người nói, hiểu rõ thông điệp/thông tin của họ và phản hồi lại câu chuyện một cách chu đáo.
Lắng nghe chủ động đồng nghĩa với việc bạn đang tôn trọng đối phương và điều này cũng giúp thúc đẩy các mối quan hệ xã hội lành mạnh. Đặt câu hỏi, gật đầu đồng ý, lặp lại điểm trọng tâm của câu chuyện là một số biểu hiện của kỹ năng lắng nghe chủ động.
Biết cách tiếp nhận, lắng nghe phản hồi cũng là một biểu hiện của người có chỉ số EQ cao. Dù là một lời nhận xét tích cực hay những phê bình từ những người xung quanh, việc lắng nghe lời phản hồi đồng nghĩa với việc bạn dám chịu trách nhiệm với hành động của mình và thể hiện bản thân là người sẵn sàng cải thiện theo hướng tích cực hơn. Tuy một số phản hồi có thể gây khó chịu, nhưng bạn hãy xem đó là cơ hội để bản thân học hỏi và phát triển.
2. Chú ý đến hành vi giao tiếp phi ngôn ngữ
Con người giao tiếp với nhau không chỉ bằng lời nói, câu chữ mà còn thông qua hình thức giao tiếp phi ngôn ngữ: cử chỉ, biểu cảm khuôn mặt, ánh mắt, nụ cười, giọng điệu, dáng đứng, khoảng cách… Do đó, lắng nghe kết hợp với theo dõi những phản ứng, hành vi của đối phương sẽ giúp bạn đạt được sự tối ưu trong giao tiếp.
Một người Sếp có thể hiểu được tâm ý của nhân viên mặc dù không được nói ra bằng lời điều đó cho thấy đó là một người Sếp tâm lý. Không chỉ trong công việc mà trong cuộc sống một người tâm lý luôn được coi trọng và đánh giá cao.
3. Trau dồi kỹ năng thuyết trình – đàm phán
Hãy cố gắng nâng cao vị thế, uy tín của mình, biết cách sắp xếp ngôn từ trình bày một cách thuyết phục. Điều đó không chỉ mang lại cho bạn lợi thế trong các mối quan hệ mà còn rèn luyện sự tự tin của bạn.
Bạn hoàn toàn có thể cải thiện được phong thái của mình bằng việc tham gia các lớp học mới để nâng cao kỹ năng, kiến thức; trải nghiệm điều thú vị mà trước giờ luôn e ngại. Ngoài ra, bạn cũng có thể lắng nghe phản hồi tích cực từ phía người xung quanh, để từ đó có thêm động lực thay đổi, phát triển bản thân và tăng thêm sự tự tin.
Bước 4: Trở nên đồng cảm hơn
1. Nhìn nhận sự việc từ quan điểm của người khác:
Mặc dù khả năng tự nhận thức về bản thân là điều cốt lõi giúp chúng ta cải thiện chỉ số EQ. Tuy nhiên, để EQ được phát huy một cách hiệu quả, bạn cũng cần biết cách xác định cảm xúc của người khác; đánh giá cách họ suy nghĩ, nhìn nhận về hành vi và cách giao tiếp của mình. Điều này không những tránh dẫn đến xung đột mà còn có thể giúp bạn tìm thấy điểm chung với đối phương.
Việc biết cách điều chỉnh thái độ, hành động, cảm xúc của bản thân dựa trên thái độ, hành động, cảm xúc của người khác cho thấy bạn là yếu tố quan trọng để phát triển trí thông minh cảm xúc. Và nếu bạn không chắc chắn về khả năng nhận biết cảm xúc của mọi người, hãy mạnh dạn hỏi họ rằng họ cảm thấy như thế nào khi giao tiếp với bạn.
2. Chú ý cách bạn ứng xử với mọi người:
Hãy tự hỏi mình rằng: Bạn có thể để đổi phương chia sẻ ý tưởng của họ không? Bạn có thể đồng ý với ý kiến của đối phương dù cho bạn có phần không đồng ý?
Hãy để đối phương hiểu rằng công sức họ bỏ ra là có ích giúp họ cảm thấy sẵn lòng thoả hiệp hơn.
Bước 5: Làm việc với động lực tự thân
Trong cuộc sống không phải lúc nào cũng mọi thứ cũng diễn ra theo suy nghĩ của bạn. Học cách chấp nhận sự việc không hoàn hảo, chủ động tìm ra vấn đề và giải quyết vấn đề đó chính là phản xạ của một người có trình độ EQ cao. Một vài cách giúp bạn lấy động lực cho chính mình:
1. Tập trung vào vào việc mình thích:
Dù trong công việc có điều bạn thích và không thì hãy tập trung vào những khía cạnh mà bạn thật sự yêu nhất. Hãy tìm cảm hứng từ đó!
2. Cố gắng giữ thái độ tích cực:
Một vị Sếp lạc quan thường truyền cảm hứng và động lực cho mọi người. Bạn cũng vậy, hãy giữ thái đô này để giúp bạn cảm thấy tích cực hơn trong công việc nhé!
(Nguồn: Tổng hợp từ Internet)
>> Tham khảo những khoá học giúp bạn nâng cao kỹ năng lãnh đạo: Khoá học CEO - Giám đốc điều hành chuyên nghiệp, Nâng cao năng lực quản trị cho quản lý cấp trung
Tags: Lãnh đạo & Quản lý